Giá dầu không đồng nhất trong phiên giao dịch sáng thứ Năm ở châu Á. Giá tăng sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) ghi nhận một sự sụt giảm rất lớn trong tồn kho dầu thô. Nhưng đà tăng đã không duy trì được lâu bởi cuộc tranh luận của Quốc hội Hoa Kỳ về gói kích thích COVID-19 mới nhất cũng như số ca nhiễm virus vẫn đang gia tăng trên toàn cầu.
Giá dầu Brent tương lai tăng 0,07% lên 44,12 USD vào lúc 12:02 AM ET (5:02 AM GMT) trong khi giá dầu WTI tương lai giảm 0,05% xuống còn 41,25 USD.
EIA đã ghi nhận mức giảm 10,612 triệu thùng trong kho dự trữ dầu thô, trong tuần kết thúc vào ngày 24 tháng 7, mức lớn nhất kể từ năm 2019. Mức giảm cao hơn đáng kể so với dự báo về việc tăng 0,357 triệu thùng do Investing.com tổng hợp.
Nhưng các nhà phân tích của ANZ đã cảnh báo trong một lưu ý rằng việc giảm dự trữ không phải là một tin tốt, với những dấu hiệu cho thấy nhu cầu vẫn đang rất khó để tăng lên. Nhu cầu có thể bị cản trở do dịch bệnh bùng phát khiến một số quốc gia áp dụng lại các biện pháp phong tỏa.
Có gần 17 triệu trường hợp nhiễm COVID-19 trên toàn cầu tính đến ngày 30 tháng 7, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins. Thành phố Melbourne của Úc đã báo cáo một số lượng người nhiễm kỷ lục trong ngày vào thứ Năm.
“Với diễn biến dịch bệnh hàng ngày, rủi ro đối với lực cầu của dầu là quá lớn”, theo ông Vivek Dhar, nhà phân tích hàng hóa tại Ngân hàng Commonwealth của Úc (OTC: CMWAY), nói với Reuters.
“Nếu chúng ta bị phong tỏa hoặc phong tỏa một phần, giao thông vận tải sẽ bị ảnh hưởng. Giao thông vận tải hiện chiếm hai phần ba nhu cầu dầu”, ông nói thêm.
Trong khi đó, các nhà đầu tư sẽ theo dõi động thái tiếp theo của OPEC khi việc cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng mỗi ngày được thiết lập để giảm xuống 7,7 triệu thùng mỗi ngày từ tháng 8 đến tháng 12. Nhu cầu suy yếu cũng làm Ả Rập Xê Út phải giảm giá dầu sau khi việc cắt giảm được nới lỏng.
Ha Hien